Tiêu chảy là gì? Tiêu chảy nguy hiểm thế nào?

TIÊU CHẢY

Tiêu chảy là bệnh gì?

Bệnh tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng ba lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày (Theo Bộ Y tế).

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cũng cho biết: Bệnh chiếm 1 trong 9 trường hợp trẻ em tử vong trên toàn thế giới, khiến bệnh trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai ở trẻ dưới 5 tuổi.

Khi muốn xác định có bị bệnh hay không thì điều quan trọng là phải xem xét thêm các yếu tố sau ngoài số lần đi ngoài trong ngày bao gồm:

Tăng số lần đi ngoài đột ngột

Thay đổi độ đặc, rắn của phân và tăng lượng dịch trong phân

Thay đổi màu sắc và tính chất phân như phân có nhầy hoặc máu

Phân loại các loại bệnh tiêu chảy

Bệnh được phân chia 4 cấp độ khác nhau dựa trên các đặc điểm về thời gian mắc bệnh, cơ chế bệnh, độ nghiêm trọng của bệnh và đặc điểm của phân như: phân có nhiều nước, sủi bọt, nhầy máu hay có chất béo,… bao gồm: tiêu chảy cấp tính, mãn tính, thẩm thấu và xuất tiết.

Cấp tính

Bệnh tiêu chảy cấp tính là loại bệnh thường gặp ở trẻ em lứa tuổi mầm non và những năm đầu cấp tiểu học. Tiêu chảy xuất hiện đột ngột, trẻ đi phân lỏng nhiều nước, số lần đi nhiều hơn 3 lần trong 24 giờ, thường kéo dài 1 tuần. Bệnh tiêu chảy cấp tính thường có nguyên nhân do thức ăn không phù hợp hoặc do nhiễm khuẩn thực phẩm, trong đó virus rota là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe dọa đến tính mạng của trẻ dưới 2 tuổi.

Mãn tính

Tiêu chảy kéo dài hơn 2-4 tuần được coi là dai dẳng hoặc mãn tính. Ở một người khỏe mạnh, tiêu chảy mãn tính có thể gây phiền toái hoặc trở thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng đối với một người có hệ miễn dịch yếu, hoặc suy giảm miễn dịch thì tiêu chảy mãn tính có thể là nguyên nhân đe dọa đến tính mạng.

Thẩm thấu

Tiêu chảy do giảm hấp thu dịch, chất điện giải và dinh dưỡng được coi là tiêu chảy thẩm thấu. Mức độ từ nhẹ đến vừa, khối lượng phân từ 250ml đến 1 lít/ngày. Sự không hấp thu được một chất dinh dưỡng đơn thuần như lactose thường gây ra triệu chứng trướng bụng hơn là tiêu chảy, trừ trường hợp nặng. Hiện tượng tiêu chảy thẩm thấu sẽ dừng lại khi chúng ta ngừng ăn những thực phẩm đó.

Xuất tiết

Là sự rối loạn về chuyển tải ion trong các tế bào biểu mô của ruột làm tăng sự bài tiết và giảm hấp thu hoặc là cả hai. Đối với hiện tượng tiêu chảy này thì việc ngưng ăn không có tác dụng.

Nguyên nhân gây bệnh

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ: Khoảng 88% trường hợp tử vong liên quan đến bệnh là do nước không an toàn, vệ sinh không đầy đủ và không đủ vệ sinh. Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp và gây ra khoảng 40% nhập viện vì tiêu chảy ở trẻ dưới 5 tuổi.

Nhiễm khuẩn đường ruột

Mầm bệnh từ bên ngoài đi vào cơ thể, kích thích các mô trong đường tiêu hóa, gây viêm nhiễm là nguyên nhân chính gây tiêu chảy, thường gặp khi bạn ăn phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, chứa vi khuẩn Salmonella, Clostridium, khuẩn tụ cầu… dẫn tới ngộ độc.

Việc tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm, dùng các món ăn như rau sống, gỏi, đồ tái sống… được tưới bằng nước bẩn, phân tươi sẽ tăng nguy cơ lây truyền vi khuẩn và các loại ký sinh trùng.

Vệ sinh kém

Điều kiện vệ sinh kém cũng làm tăng nguy cơ lây lan vi khuẩn gây tiêu chảy nhiễm trùng. Vì vậy, mỗi người cần chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, không gian để tránh vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

Rối loạn vi sinh đường ruột

Lạm dụng thuốc kháng sinh vô tình tiêu diệt vi khuẩn có lợi, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, dẫn đến giảm hấp thu, tăng nhu động ruột, hậu quả là đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, không thành khuôn hoặc phân sống.

Không hấp thu đường

Do không dung nạp được các loại đường như: lactose, glucose-galactose, fructose từ các loại trái cây, mật ong, sữa và chế phẩm từ sữa… nên một số người có thể bị tiêu chảy kéo dài nếu ăn những thực phẩm chứa các loại đường này. Hoặc cơ thể thiếu các men như sucrase-isomaltase, lactase… cũng là nguyên nhân gây bệnh.

Ngộ độc thực phẩm

Sử dụng thức ăn bị ôi thiu, nhiễm độc hoặc chứa các chất phụ gia độc hại cũng là nguyên nhân thường gặp gây tiêu chảy. Ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện các triệu chứng như: đau bụng, đi ngoài dữ dội sau khi ăn xong, kèm theo tình trạng nôn mửa, tiêu chảy, sốt cao… Thậm chí, có thể dẫn tới co giật và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Hội chứng ruột kích thích

Đây là bệnh do thay đổi thói quen ăn uống, sau khi ăn đồ lạ hoặc dùng một số thuốc điều trị bệnh. Nguyên nhân là do nhu động ruột co thắt quá mức và kéo dài khiến thức ăn di chuyển trong đường ruột nhanh hơn. Lúc này, nước không được tái hấp thu hoặc tiết ra quá mức từ niêm mạc ruột dẫn đến tình trạng tiêu chảy đột ngột.

Viêm đại tràng

Người bệnh viêm đại tràng thường bị rối loạn tiêu hóa, trong đó có tình trạng tiêu chảy. Bệnh xuất phát do nhiễm vi khuẩn (Shigella, Samonella…), ký sinh trùng, nấm, ngộ độc hóa chất, hoặc do rối loạn thần kinh thực vật, áp lực, căng thẳng tâm lý…

Các biện pháp điều trị bệnh

Điều trị sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng, tuổi và sức khỏe nói chung, mức độ nghiệm trọng của tiêu chảy của trẻ.

Mất nước là mối quan tâm chính đối với bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ điều trị bằng cách bổ sung chất lỏng bị mất theo nhiều cách khác nhau như bù nước và điện giải, truyền dịch. Thuốc kháng sinh có thể được kê khi nhiễm vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh.

Trẻ em nên uống nhiều nước, việc này giúp bổ sung các chất lỏng mà cơ thể bị mất. Nếu trẻ bị mất nước, phụ huynh hãy đảm bảo rằng:

Cho trẻ sử dụng bù điện giải bằng oresol được pha theo đúng tỷ lệ.

Tránh nước trái cây hoặc soda do có thể làm cho nặng hơn.

Không cho trẻ dưới 12 tháng tuổi uống nước lọc

Không cho trẻ ở mọi lứa tuổi quá nhiều nước lọc do có thể nguy hiểm.

Bà mẹ tiếp tục cho con bú do khi bú sữa mẹ, trẻ ít bị hơn.

Tiếp tục cho bé ăn sữa bột.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *